TS. Đỗ Đức Khả chia sẻ “Cách viết một bài báo khoa học trên Tạp chí Văn Hoá Phật Giáo”
30/07/2021 16:59
PSO - Chiều ngày 30/7/2021, (nhằm ngày 21/6 năm Tân Sửu), TS. Đỗ Đức Khả – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển Doanh nhân Việt Nam, Giảng viên Cơ hữu Đại học Quốc gia TP. HCM chia sẻ: “Cách viết một bài báo khoa học trên Tạp chí Văn hoá Phật Giáo” đến các học viên tại khoá Tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0 trên địa chỉ học trực tuyến trungtam.hoangphaponline.com.
Mở đầu buổi chia sẻ, TT. Thích Minh Nhẫn giới thiệu khái quát nội dung buổi toạ đàm do TS. Đỗ Đức Khả trình bày đến các học viên đó là những khái niệm, nội dung cách viết một bài báo khoa học chuẩn khi được đăng trên Tạp chí VHPG. Thượng toạ cũng thông tri đến các học viên về việc Tạp chí Văn hoá Phật giáo là một tạp chí chuyên ngành duy nhất của GHPGVN hiện nay đạt tiêu chuẩn Quốc tế (International Standard Serial Number ISSN) đủ điều kiện đăng tải các bài báo khoa học.
Một bài báo khoa học là những tri thức được tích lũy qua hoạt động nghiên cứu khoa học, kết quả của việc quan sát, thí nghiệm… các sự kiện, hoạt động xảy ra trong hoạt động xã hội và trong tự nhiên. Trước khi vào trình bày chi tiết việc áp dụng những tiêu chí đối với bài báo khoa học đăng trên Tạp chí VHPG, TS. Đỗ Đức Khả đã giới thiệu khái quát về Tạp chí VHPG để các học viên để nắm được những thông tin chính.
Với bề dày lịch sử, Tạp chí Văn hoá Phật giáo có tiền thân từ một tập san mang tên Tập Văn, thuộc Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động từ năm 1985, do cư sĩ Võ Đình Cường làm Chủ nhiệm. Những ngày đầu, Tập văn được phát hành mỗi năm 3 số vào các dịp Xuân, Phật đản và Vu-lan, mỗi số gần 1.000 bản. Đến cuối năm 2004, Tạp chí Văn hóa Phật giáo chính thức được thành lập theo Quyết định của Bộ Văn hóa-Thông tin số 96/GP-BVHTT ngày 13/10/2004, theo đó, cơ quan chủ quản của Tạp chí là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiện nay, Tạp chí đã được cấp mã số tiêu chuẩn Quốc tế (International Standard Serial Number ISSN) ISSN: 2734-9128.
Chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí VHPG: Chức năng: với có những chức năng thông tin lý luận và nghiên cứu khoa học mang tính đặc thù của tôn giáo. Là công cụ đánh giá kết quả các công trình nghiên cứu khoa học chuyên biệt của đạo Phật cùng những bài viết chắt lọc mang tinh hoa văn hóa Phật giáo đến gần hơn với cuộc sống đời thường. Vì sự phát triển của nền văn hóa Phật giáo nước nhà, nhằm kế thừa và phát huy những thành tựu của Tạp chí Văn hóa Phật giáo trong thời gian qua và đáp ứng các yêu cầu mới, nhiệm vụ mới của Phật sự trong kỷ nguyên số và CMCN 4.0. Nhiệm vụ: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo có nhiệm vụ trọng tâm là: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị Từ bi – Trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”; Là một tạp chí nên nó đảm bảo tính khách quan khoa học trong các bài viết nghiên cứu, đồng thời cũng truyền tải các hoạt động Phật sự vào đời sống, là nơi chia sẻ các giá trị, các kinh nghiệm tu tập, hoằng pháp của các tăng ni, Phật tử và các tổ chức cá nhân đóng góp các giá trị vật chất và tinh thần cho Giáo hội
Cấu trúc của tạp chí: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo đã thiết kế 3 chuyên mục thường kỳ, đó là: Phật giáo và Thời đại: Góc nhìn Phật giáo với các vấn đề của thời đại, thời sự; Phật giáo – Văn hóa và Đời sống: Truyền tải giá trị văn hóa Phật giáo nói riêng và Văn hóa Việt Nam, văn hóa tiến bộ của thế giới nói chung. Đồng thời, cung cấp những khuyến nghị thích hợp từ góc độ Phật giáo đến với các vấn đề đời sống. Phật giáo – Khoa học và Triết lý: Đăng tải những công trình nghiên cứu về Phật học hoặc liên quan Phật giáo hay có đóng góp cho khoa học xã hội phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Tạp chí. Để tăng tính thẩm mỹ trong công trình, bài viết nên kèm theo từ 1 đến 3 hình (độ phân giải từ 1000px trở lên, có chú thích) và gửi kèm file qua email.
Cấu trúc của một bài báo đăng tải trên Tạp chí VHPG: Tiêu đề bài báo (Title): Chỉ tên bài báo, số lượng từ trong tiêu đề thông thường từ 10-18 từ phản ánh nội dung đề cập trong bài báo. Dưới tiêu đề bài báo thường là tên tác giả, tập thể tác giả, email, cơ quan công tác; Tóm tắt (Abstract): Phần này có 100-250 từ. Tóm tắt bài báo thường phải thể hiện vấn đề/mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, thời gian, số liệu dùng cho nghiên cứu, kết quả tác giả mới tìm ra, và kết luận. Tất cả được trình bày hết sức ngắn gọn, cô đọng. Dưới tóm tắt là từ khóa (Key words) gồm 3 – 5 từ quan trọng có tần suất lặp lại nhiều. phần dẫn nhập này thường nói về cơ sở, lý do, tầm quan trọng của vấn đề tác giả muốn nghiên cứu và cấu trúc của bài báo. Quan trọng nhất là tác giả phải nêu rõ câu hỏi nghiên cứu của mình (research question); Giới thiệu (Introduction); Lược sử về nghiên cứu trước đây (Literature review): Phần này tác giả phải nêu những nghiên cứu quan trọng trước đây đã công bố liên quan đến vấn đề mình nghiên cứu. các nghiên cứu trước đã đi tới đâu, đạt kết quả gì? Những gì còn thiếu, chưa hoàn chỉnh, hoặc bị sai lệch? kể cả về mặt lý thuyết và thực nghiệm, từ đó tìm cách bổ sung, hoàn chỉnh, điều chỉnh thể hiện sự đóng góp mới của tác giả cho sự phát triển khoa học.Nếu nghiên cứu đề cập đến một vấn đề lý thuyết hoặc thực nghiệm hoàn toàn mới chưa ai nghiên cứu thì phần này chỉ cần trình bày các kinh nghiệm nghiên cứu, các phát hiện vấn đề và hướng giải quyết của tác giả; Phương pháp và dữ liệu sử dụng cho nghiên cứu (Methodologies and Data): Phần này đề cập nghiên cứu sử dụng phương pháp gì. Chẳng hạn như phân tích định tính (qualitative analysis), mô tả (descriptive), thực nghiệm (empirical study)… tùy từng công trình, mục tiêu, lĩnh vực nghiên cứu để chọn cho phù hợp và số liệu/dữ liệu nào. Đây là công cụ giúp tác giả trả lời câu hỏi nghiên cứu của bản thân đưa ra; Kết quả và thảo luận (Results and Discussion): Phần này tác giả chỉ ra, giải thích và thảo luận về các kết quả mình mới tìm thấy mà nghiên cứu trước chưa tìm ra hoặc phản bác lại kết quả của các nghiên cứu trước, hoặc bổ sung thêm để hoàn thiện về lý thuyết hoặc thực nghiệm cho các nghiên cứu trước đây đã đề cập ở mục Giới thiệu. Nói cách khác, đây chính là câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu ở mục Giới thiệu; Kết luận (Conclusion): Tổng lược kết quả nghiên cứu, nêu bật ý nghĩa khoa học của kết quả nghiên cứu, ứng dụng của chúng vào thực tế cuộc sống, hoặc giúp cho việc hoạch định chính sách ra sao của nghiên cứu), ưu nhược điểm của nghiên cứu như thế nào, và những định hướng cho các nghiên cứu liên quan trong tương lai; Tài liệu tham khảo (References): Mục này gồm các tài liệu có trích dẫn hoặc là cơ sở quan trọng cho việc phân tích logic của nghiên cứu đề cập trong bài báo. Xin lưu ý, phần này cần trình bày theo tiêu chuẩn các tạp chí đưa ra; Lời cám ơn (Acknowledgements) nếu có: Gửi tới các cơ quan, tổ chức tài trợ, các cá nhân có đóng góp, giúp đỡ cho việc viết và hoàn thiện bài báo.
Tính logic của một bài báo khoa học: Có bao nhiêu mục tiêu, câu hỏi nghiên cứu (trong phần Giới thiệu), thì phải được làm rõ trong nội dung bài báo (phần Kết quả và thảo luận) và trong phần Kết luận; Bất cứ một nhận định, một giải thích, một minh chứng phải có trích dẫn (xem trích dẫn theo APA); Các nội dung được trình bày theo quan điểm khách quan, không thiên vị. Ý kiến của tác giả được trình bày ở phần kết luận sau mỗi nội dung trình bày và trong phần kết luận của bài nghiên cứu; Văn phong, thuật ngữ được diễn giải dễ hiểu với số đông độc giả.
Trên đây là những tiêu chí cơ bản viết 1 bài báo khoa học chuẩn khi được đăng trên Tạp chí VHPG. Việc nghiên cứu khoa học chính là hành động tìm hiểu, quan sát, thí nghiệm… dựa trên những số liệu, dữ liệu, tài liệu thu thập được để phát hiện ra bản chất, quy luật chung của sự vật, hiện tượng, tìm ra những kiến thức mới hoặc tìm ra những ứng dụng. Các phương pháp nghiên cứu trong một bài báo khoa học chuẩn là một hệ thống kỹ thuật nhằm nghiên cứu các hiện tượng, mục đích là để thu được kiến thức mới, hoặc hoàn chỉnh và kế thừa các kiến thức có trước đó.
PSO