PSO - Vu lan tháng Bảy, không như bao người lầm tưởng là mùa của tháng cô hồn, mùa của loại quỷ đói. Đã từ lâu trong lòng của mỗi người con Việt, Vu lan trở thành tiết lễ của hiếu nghĩa tình người, lễ hội của văn hóa tri ân và báo ân, lễ hội của những người con hướng về những bóng cả trong cuộc đời.
Đêm khóa tu Vu lan Online ngày thứ hai, pháp thoại “Bóng cả đời con” của Thượng tọa Thích Phước Nghiêm - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN như một tiếng chuông vang dội thức tỉnh những người con chưa kịp nhớ về hai đấng sanh thành “Cha” và “Mẹ”.
Cha mẹ là bóng cả đời con. “Bóng cả” được tìm thấy trong “cây cao bóng cả”, có thể hiểu rằng “Bóng cả” chỉ cho sự rộng lượng bao dung, của sự che chở bao la hùng vĩ. Sự chở che, sự bao dung không bến bờ của người làm cha và mẹ.
Con có mặt trên cuộc đời, giữa trời đất ngút ngàn bao la vô tận, với muôn ngàn vóc dáng hình hài đó chính là hiện hữu của tình thương, là mồ hôi, là nước mắt của cha và mẹ. Con chập chững hay vững chải trên vạn nẻo đường đời, cha mẹ vẫn dõi theo bước con đi. “Còn cha gót đỏ như son”; có mẹ con có cả vầng thái dương. Hai tiếng mẹ cha thiêng liêng mầu nhiệm, hai tiếng giản đơn như khi gọi lên thì như chạm vào từng thớ tim, khấc thịt của mỗi một con người chúng ta.
Thượng tọa Giảng sư đã ban dạy pháp nhũ như một lời tâm sự trong pháp thoại “Bóng cả đời con”. Lời tâm sự chân tình từ góc độ của một người con hiếu nghĩa. Con hôm nay thọ lãnh dáng dấp của hai đấng sinh thành. Cha thắp lên cho con ý chí, nghị lực và niềm tin, giúp con vững bước trên chông gai cuộc đời; mẹ dệt cho con trái tim từ ái, dịu dàng cho con biết rộng lượng và cảm thông. Cha cho con dòng nhiệt huyết nồng nàn, ý chí hiên ngang để thẳng đường tiến về phía trước. Mẹ cho con dòng sữa thơm ngọt mát, con tim yêu thương để sẽ chia nghĩa cữ với tha nhân.
“Hai vai mẹ một trang đầy huyền thoại
Tình yêu thương hào phóng đến vô cùng
Hình hài con khi còn là hạt bụi
Lớn lên dần qua tim mẹ bao dung.”
“Cha là bóng cả ngã che con
Là cả tình thương chẳng xói mòn
Cả cuộc đời mênh mông cha quá
Nặng nghĩa tình cha hơn nước non.”
Thượng tọa Giảng sư nhấn mạnh: “Không bút mực nào trên gian có thể nói cho hết hai tiếng mẹ cha. Nhớ tích truyện kinh báo hiếu Đức Phật Ngài cúi lạy trước đống xuông khô. Đức Phật là đấng tối tôn trong cõi người trời, Ngài biết rằng đống xương chỉ là sự đánh dấu của vô thường được mất, thế nhưng Đức Thế Tôn đã cúi mình rập lạy, vì đống xương kia có cả hình hài của nhiều kiếp ân sinh cha mẹ. Bài học sâu sắc từ cử chỉ cao quý của Đức Thế Tôn, Ngài để lại lời huấn thị sâu sắc cho chúng đệ tử ngàn đời về chữ hiếu ân. Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.
Thượng tọa Giảng sư cũng đã tâm sự cùng hành giả trong Khóa tu về sự hiếu nghĩa với mẫu thân của mình từ những việc bình dị nhất. Một bữa cơm rau quê tự tay nấu dâng mẹ khi ở nhà; một cuộc điện thoại đều đặn khi Phật sự ở xa, thế nhưng những điều bình thường kia bây giờ không còn tìm được nữa. Cha mẹ đã mãi mãi đi xa. Ngài âm thầm rơi nhẹ giọt nước mắt của những người con đang cài hoa trắng. Thật xúc động thấm cả tình người!
Lễ hội Vu lan không chỉ dành cho người Phật tử tại gia hướng về cha và mẹ. Vu lan là ngày lễ hội chung cho tất cả những người con hiếu nghĩa. Đặc biệt người xuất gia có lẽ và rất nhiều, vì Phật sự nơi địa phương được Đức Phật bổ xứ, chưa kịp quay về quỳ bên chân cha hay gánh mẹ một lần trong dịp tháng Bảy Vu lan. Chưa kịp về nhưng đừng lãng quên, dù chỉ kết nối hiếu nghĩa bằng cuộc điện thoại, cha và mẹ sẽ vui lắm; cha mẹ sẽ hiểu và cảm thông, vì đã cúng dường con cho Đức Phật và chúng sanh.
Báo đáp hiếu nghĩa thâm ân chẳng phải chỉ cài lên ngực áo những màu hoa hồng hay trắng, cũng chẳng phải tụng muôn vạn lần kinh Vu lan. Việc hiếu “hiếu sự” phải được thực hiện bằng hành động thiết thực, bằng sự kính yêu cha mẹ “hiếu kính”, bằng sự phụng dưỡng nuôi nấng cha mẹ “hiếu dưỡng”. Tất cả những việc làm hiếu thảo này phải được đặt trên nền tảng của tâm hiếu. Hiếu chẳng cần cho thế gian soi chiếu; hiếu chẳng cần phải bộc bạch bằng facebook hay zalo…Hiếu là tầng nhịp rung động chạm đến trái tim của nhân sinh mà Đức Phật gọi đó là tâm Phật.
Bằng sự thiết thực của đời sống và kết hợp đi qua lời Đức Phật dạy, buổi pháp thoại để lại cho chúng ta, những hành giả tham dự khóa tu online “Bóng cả đời con” ấn tượng sâu sắc về hai chữ “Hiếu”, “Ân”. Thiết nghĩ hiếu nghĩa phải được thực hiện từng ngày trong đời sống, không chỉ vào tiết tháng Bảy, lễ Vu lan.
TN.Phước Niệm – Ban TTTT Khóa tu