PSO
HT.Thích Minh Thiện thuyết giảng: “Kỹ năng tổ chức khóa tu dành cho cư sĩ Phật tử” tại khoá tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0
PSO - Chiều ngày 15/7/2021 (nhằm ngày 06/6 năm Tân Sửu), các học viên của khoá 1 - Tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0 do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức đã được nghe HT. Thích Minh Thiện – Phó ban Hoằng pháp Trung ương thuyết giảng nội dung: “Kỹ năng tổ chức khóa tu dành cho cư sĩ Phật tử” trên địa chỉ học trực tuyến trungtam.hoangphaponline.com.
Hoà thượng nhấn mạnh có 2 nội dung sẽ được trình bày đó là: Quan điểm tổ chức khoá tu và những điều cần lưu ý khi tổ chức khoá tu cho cư sĩ, Phật tử.
Quan điểm tổ chức khoá tu: Từ thời đức Phật người Tu sĩ và cư sĩ Phật tử đã có sự gắn bó khăng khít với nhau từ khi đạo Phật xuất hiện cho đến ngày nay. Sự trang nghiêm của những người con Phật đó là tu tập chuẩn mực, luôn tương kính nhau và cùng đem lại lợi lạc đến khắp cả nhân sinh. Người tu sĩ và người cư sĩ có những mối quan hệ không chỉ dừng lại ở đời sống tinh thần mà còn trong đời sống vật chất. Hệ thống kinh điển Phật giáo trong cả hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền đều ghi nhận rất nhiều những quan hệ giữa người tu sĩ và cư sĩ Phật tử. Cả cư sĩ Phật tử và chư Tăng đều là đệ tử Phật, chỉ khác chăng là dung nghi, hoàn cảnh sống, mức độ tu tập, giới pháp hành trì và khả năng tâm linh. Cả hai chúng đệ tử này có sự liên hệ, hỗ trợ với nhau chặt chẽ với nhau.
Chính vì vậy, ngày nay, việc tổ chức tu học cho cư sĩ Phật tử ít hay nhiều chính là cơ hội để chúng ta cùng nhau nhìn lại chính mình, những nét đẹp của cha ông, sống có nghĩa có tình, đúng tinh thần của người con Phật. Các giảng sư phải giảng dạy yếu chỉ Phật pháp thích hợp trong khoá tu để cho cư sĩ Phật tử hiểu hơn về sự tu học của mình, giao lưu học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển trong cộng đồng xã hội văn minh.
Hiện nay có rất nhiều khoá tu dành cho cư sĩ Phật tử đang được các chùa, tự viện trong toàn quốc duy trì như: Tu bát quan trai; Ngày tu an lạc; Khoá tu mùa hè; Khoá tu thiền theo truyền thống Bắc truyền, Nam truyền; Khoá tu dành cho công nhân; Khoá tu dành cho những người đã nghỉ hưu…
Để cho khoá tu có hiệu quả và lan toả rộng rãi đến với đại chúng, người tổ chức khoá tu phải có tâm nguyện hoằng pháp, hết lòng thương yêu thiện tín và nghiên cứu kỹ công tác chuẩn bị về nhân sự, chương trình tu học, cơ sở vật chất, hậu cần cho một khoá tu một cách chu đáo. Sau khi tham dự khoá tu, người Phật tử sẽ xây dựng cho mình một đời sống an lạc từ đó chuyển hóa bản thân, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng áp dụng lời Phật dạy ngay vào cuộc sống. Đồng thời, khơi dậy tinh thần hộ trì Tam bảo, phụng sự Đạo pháp và xã hội, nỗ lực thực hiện các hạnh lành trong tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha của lời Phật dạy.
Những điều lưu ý khi tổ chức khoá tu cho cư sĩ, Phật tử: Hoà thượng đưa ra 6 vấn đề cần lưu ý: Xác định mục đích và khả năng tổ chức khoá tu, lên kế hoạch tổ chức chi tiết, đảm bảo điện, âm thanh ánh sáng, phòng cháy chữa cháy, ẩm thực, y tế, chỗ ở để các hành giả tham dự đảm bảo sức khoẻ tu học; Thành lập ban điều hành khoá tu; Lập chương trình, nội quy khoá tu học; Hoàn tất thủ tục, gửi văn bản đến các cấp chính quyền xin phép tổ chức khoá tu; Tiếp nhận và quản lý hành giả (phát thẻ đeo để quản lý và phát nội quy, chương trình tu học ngay khi đến); Kết thúc khoá tu: Ban tổ chức đúc rút đánh giá kết quả, ban đạo từ và khen thưởng các hành giả, tu sinh và thông báo khoá tu tiếp theo (nếu có).
Các tự viện, trụ trì khi tổ chức khoá tu khéo léo tổ chức khoá tu theo đúng năng lực hiện có của mình. Chuẩn bị chi tiết 3 giai đoạn trước, trong, và sau khoá tu để cùng nhau đưa chánh pháp từ bị trí tuệ Phật đà để phổ biến đến chúng sanh. Đảm bảo các hành giả tu học đều được an vui, giải thoát, bớt đi tham đắm cuộc đời, các cư sĩ Phật tử được học để hiểu và để thương.
Có thể nói, việc tổ chức khoá tu đó đó là hoằng pháp lợi sanh, truyền bá chánh pháp của đức Phật đến với chúng sanh. Trong hơn 2000 năm qua, Phật giáo là mạch hồn của dân tộc, đồng hành cùng Dân tộc. Vì phục vụ cho Dân tộc là phục vụ cho Đạo pháp và ngược lại. Đây cũng là hạnh nguyện truyền bá chánh tín của người xuất gia - đệ từ Phật, không vì danh lợi mà vì Phật pháp, vì tín đồ, truyền thông điệp tu tập đến với mọi người, xây dựng đạo đức tự thân, nếp sống thiền môn để mọi người mọi loài đều tu tập và đều có thể chứng quả thành Phật.