PSO
HT.Thích Bửu Chánh thuyết giảng 32 tiêu chuẩn của “Nghệ thuật thuyết giảng và diễn thuyết” đối với một vị giảng sư
PSO - Đối với một vị giảng sư, muốn thành công trong nghệ thuật thuyết giảng và diễn thuyết phải cần những điều kiện gì? làm như thế nào?... Đó chính là nội dung được HT. Thích Bửu Chánh – Phó ban Hoằng pháp Trung ương chia sẻ đến các học viên vào ngày 16/7/2021, tại khoá Tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0 trên địa chỉ học trực tuyến trungtam.hoangphaponline.com.
Trong bài giảng của mình, Hoà thượng nhấn mạnh: Một vi giảng sư muốn thành công phải thường xuyên tham gia các khoá tập huấn, huấn luyện để hoàn thiện kỹ năng hoằng pháp của mình. Các giảng sư ngoài năng khiếu diễn thuyết, hùng biện thì khi diễn thuyết trước thính chúng còn phải có chuyên môn bởi thuyết giảng được xem như là một nghệ thuật truyền thông trước công chúng. Để nói mà không sợ sai lầm, các giảng sư cần phải nắm được những tiêu chuẩn căn bản. Trong buổi thuyết giảng, Hoà thượng đã chia sẻ với các học viên 32 tiêu chuẩn để các học viên về áp dụng, thực hành trong quá trình hoằng truyền chánh pháp của mình.
1. Người giảng sư phải tự thực tập thuyết giảng ngày đêm, nói pháp cho nhuần miệng, nghe pháp cho nhuần tai, suy nghĩ pháp cho nhuận ý.
2. Yêu nghề.
3. Học thuộc lòng bài giảng để thuật lại những lời trong kinh điển khi diễn thuyết đại chúng sẽ đón nhận một cách nhiệt tình.
4. Có đầy đủ oai nghi giới hạnh phải có Giới – Định – Tuệ (đi, đứng, ngồi…).
5. Có giọng nói thu hút, truyền cảm, chậm trãi, rõ ràng.
6. Có ngoại hình bắt mắt.
7. Thấy khán giả là những viên ngọc quý (trân trọng khán giả) bởi khán giả chính là linh hồn của giảng sư.
8. Đề tài giảng phải thật sự an toàn, không gây hiểu lầm, tránh người nghe bối rối không hết lòng lắng nghe bài pháp của mình. Nói rõ lý do chọn đề tài, định nghĩa đề tài, đề tài mới, nếu đề tài cũ thì phải luôn nói những ý mới để tạo được sự chú ý của người nghe.
9. Dẫn chứng tài liệu mộc (gốc) (dẫn chứng tài liệu trong kinh hoặc các giảng sư, của các nhà khoa học, người có uy tín …) thì bài pháp sẽ có giá trị cao.
10. Ứng xử tình huống khéo léo trong các tình huống bất ngờ.
11. Bài pháp nên có chất hài giáo dục để bài pháp tồn tại sống cùng với thời gian.
12. Không được xem thường bất cứ ai. Nếu trong quá trình giảng người ngồi bên dưới không lắng nghe, nói chuyện, bấm điện thoại chúng ta không nên xem thường. Bởi nếu khi giận lên thì bài pháp cũng đã bay đi rồi (thất bại), xem họ là những người không đủ duyên với mình, hãy xem họ là diễn viên quần chúng để mình tập trung vào bài giảng đạt hiểu quả cao nhất.
13. Không để tâm bất thiện khởi lên.
14. Trong bài pháp có tính văn học (ngôn ngữ văn chương).
15. Nội dung bài pháp phải giúp người nghe giải thoát được đau khổ.
16. Tạo tình huống bất ngờ trong bài pháp.
17. Nắm bắt công nghệ thông tin để lan toả các bài pháp.
18. Có những kiến thức bổ xung về ngoại điển.
19. Có tính thực tế, và ứng dụng trong cuộc sống để chuyển hoá nổi khổ niềm đau.
20. Có tính truyền thống và hiện đại.
21. Tu tập thiền Vipassana; nikaya.
22. Có trình độ Phật học, được đào tạo bài bản.
23. Chuẩn bị dàn bài kỹ lưỡng, chi tiết.
24. Không được tự tán thán (không tự tán thán mình, không chê người khác).
25. Sử dụng ca dao, tục ngữ trong các bài pháp sẽ dễ dàng đi vào lòng người.
26. Học cổ ngữ (tiếng Pali và chữ Hán, tiếng Anh).
27. Thời gian 60 phút (nếu ít hơn 45 phút cũng được).
28. Đáp ứng được nhiều đối tượng khác nhau.
29. Nói những gì thính chúng cần nghe, không phải nói những gì mình biết.
30. Bài giảng phải có lời hay, ý đẹp, điển tịch, danh ngôn.
31. Giảng sư phải dùng từ ngữ chính xác.
32. Sử dụng ngôn ngữ quần chúng nhân dân.
Hoà thượng nhắc đến một vị giảng sư xuất chúng là biết truyền cảm hứng cho người nghe và đức Phật của chúng ta là người như vậy. Trong 49 năm thuyết pháp độ sinh, đức Phật đã giảng dạy và hóa độ cho rất nhiều người thuộc nhiều thành phần, căn cơ và nguồn gốc khác nhau. Tùy cơ duyên mà Ngài sử dụng những phương cách giảng khác nhau để khai mở trí tuệ cho hàng đệ tử. Và đức Phật dùng một phương pháp rất biệt tài đó là sử dụng các ví dụ rất linh động và chính xác để gợi cảm cho người nghe dễ hiểu để sửa mình.
Hiện nay, các giảng sư là chư Tôn đức Tăng Ni đang sống trong thời kỳ 4.0, được tiếp cận với công nghệ, với những thiết bị tinh vi như giảng pháp online, diễn thuyết trực tuyến trên website, máy tính, ipab…đã làm thay đổi cung cách truyền thông giữa giảng sư và thính chúng. Các giảng sư hãy phát huy thế mạnh của nền tảng công nghệ để truyền thông để lan toả những giáo pháp của Đức Phật đến với đại chúng.